Đầu tháng 3.2023,ógìđặcbiệttừTủđồthờitransmàngườichuyểngiớinữtrânquýlịch âm tháng 1 năm 2023 Huỳnh Lê Khánh và Lương Thế Huy nghĩ về việc cần làm gì đó cho những người chuyển giới nữ. Vậy là dự án này ra đời, hỗ trợ cộng đồng chuyển giới tại Việt Nam về sản phẩm trang điểm, phục trang và các chương trình đào tạo nâng cao năng lực.
"Tủ đồ" là nơi quần áo, đồ trang điểm còn tốt được quyên góp và chuyển tới những người chuyển giới nữ ở vùng khó khăn. Mục tiêu ban đầu là các nhóm chị em chuyển giới nữ, đặc biệt là những ai làm việc, sinh sống cùng nhau trong các đoàn lô tô hội chợ.
"Đồ xịn" đến tay chị em hát lô tô 7 tỉnh thành
Tên gọi "Tủ đồ thời trans" là cách ghép từ giữa "thời trang" và "trans" (chuyển giới).
"Người chuyển giới nữ là phụ nữ. Nếu chúng ta dành thời gian nói về phụ nữ thì vấn đề của người chuyển giới nữ cũng là một phần trong đó. Vẫn còn nhiều trường hợp bị kì thị và phân biệt đối xử", Huỳnh Lê Khánh (40 tuổi) - một trong 2 thành viên sáng lập dự án chia sẻ.
Ngày 8.3, Huỳnh Lê Khánh chia sẻ mong muốn này lên mạng xã hội. Chỉ sau vài ngày, thông tin về dự án được lan tỏa rộng, đồ quyên góp bắt đầu gửi về càng lúc càng nhiều. Chủ yếu là quần áo, mỹ phẩm, đồ trang điểm, phụ kiện… phù hợp với việc biểu diễn của các đoàn lô tô và mặc thường ngày.
Trong quá trình trao đi những món đồ đến tay các chị em, mọi người cũng đã "ủ mưu" và tạo được một nhóm với các thành viên mới có chuyên môn để vận hành dự án trong các đợt tiếp theo.
Đợt 1 của dự án thực hiện từ ngày 8.3 - 20.3 và thu về hơn 1,5 tấn trang phục, đồ trang điểm, mỹ phẩm… từ nhiều tỉnh thành trên cả nước. Đến giữa tháng 6, dự án tổ chức nhận đồ lần 2, lần này số lượng đồ gửi đến còn nhiều hơn lần đầu tiên. Những vật dụng quyên góp này được phân loại và gửi đến 15 đoàn lô tô tại các tỉnh thành: Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ, An Giang và TP.HCM.
"Đây là những con số vượt kỳ vọng của đội ngũ vì không ngờ dự án có sức lan tỏa mạnh mẽ đến vậy", Huỳnh Lê Khánh chia sẻ.
Chị Phi Phi Nguyễn (34 tuổi, ở H.Chợ Mới, An Giang) làm việc trong đoàn lô tô cho biết, đây là lần đầu tiên chị được nhận quà từ cộng đồng. "Tôi được tặng kem chống nắng, sữa rửa mặt, đồ trang điểm, son… Nhờ vậy mà tôi tiết kiệm được một khoản, những món đồ này tôi xài phải đến 2 - 3 tháng sau mới hết", chị Phi nói.
Còn chị Trúc Phương (36 tuổi, H.Châu Phú, An Giang) chia sẻ bản thân đã lựa được những dụng cụ trang điểm như cọ, bảng màu, mặt nạ... từ dự án.
"Tôi rất trân trọng, biết ơn tấm lòng của các anh chị đã tặng đồ cho chúng tôi. Những món đồ nhỏ, đơn giản nhưng là nguồn động lực lớn để chúng tôi tự tin hơn vì được xã hội ủng hộ, quan tâm", chị Phương tâm sự.
Theo những thành viên và tình nguyện viên của dự án, người tặng đặt rất nhiều tâm huyết vào những món đồ được gửi đi. Các bạn rất tinh tế và hỏi trước về sự phù hợp của từng món. Tình nguyện viên tham gia dự án làm liên tục trong mấy ngày để phân loại, đóng gói cẩn thận.
"Lúc dự án gửi xe về 15 địa điểm nhận ở các đoàn hội chợ ở các tỉnh, mọi người liên tục nhận được hình ảnh các bạn mở thùng, thử đồ và trang điểm để biểu diễn ngay tối hôm đó khiến ai cũng thấy hạnh phúc", Lương Thế Huy kể.
Giúp người chuyển giới tự tin hơn, yêu bản thân hơn
Dự án "Tủ đồ thời trans" không dừng lại ở việc gom đồ đem tặng mà hướng đến một xã hội công bằng và đa dạng cho người chuyển giới. Ở đó, họ được hỗ trợ để tự tin khám phá, thể hiện bản thân.
Nhiều người chuyển giới ở Việt Nam vẫn còn gặp rào cản trong tiếp cận cơ hội giáo dục, việc làm, y tế... Lựa chọn nghề nghiệp của họ cũng bị hạn chế. Dự án mong muốn bắt đầu từ những món quần áo, phụ kiện bên ngoài có thể từng bước giúp họ tự tin hơn, yêu quý bản thân hơn.
Hoạt động này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí cho người thụ hưởng mà còn góp phần giảm thiểu lãng phí và bảo vệ môi trường. Đồng thời, mang đến cơ hội để xã hội hiểu hơn về cộng đồng chuyển giới.
Dự án còn có kế hoạch tổ chức chương trình đào tạo và nâng cao năng lực bằng việc chia sẻ các chủ đề như kỹ năng trang điểm, thời trang, tự tin trên sân khấu, giao tiếp...
Ngoài ra, hoạt động của dự án còn hướng đến tổ chức các sự kiện, buổi giao lưu và hoạt động xã hội cho người chuyển giới; giúp xây dựng một môi trường hỗ trợ, đồng cảm để họ cảm thấy được chấp nhận, tự tin hơn trong quá trình khám phá và thể hiện bản thân.
Từ 2 thành viên ban đầu, qua 2 đợt triển khai dự án, đến nay đã có đội ngũ tình nguyện viên cùng tham gia vận hành xuyên suốt cho nhiều hoạt động tiếp theo.
"Mục tiêu lớn hơn mà dự án hướng đến là cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng người chuyển giới tại khu vực Tây Nam Bộ; tạo công ăn việc làm ổn định bên cạnh nghề hát lô tô; đồng thời nâng cao năng lực cho nhóm đối tượng này", Huỳnh Lê Khánh chia sẻ.